Sẽ ra sao nếu làm theo cách cũ - Tôi là ai?

TÔI LÀ AI ?

Câu chuyện về bài học nhận thức “Tôi là ai?” được rất nhiều nhà huấn luyện sử dụng là hãy tưởng tưởng bạn chết và nằm trong quan tài. Lúc đó, thử suy nghĩ rằng mọi người có đến bên bạn đông không? Có thương tiếc bạn không? Nó như là một lời nhắc nhở rằng những gì ta hành động hôm nay sẽ tạo nên chúng ta cho mai sau.





Chúng ta thường đánh giá bản thân mình theo những gì SẼ làm trong tương lai. Trên quan điểm đó, sự đánh giá thường nâng giá trị mình lên so với thực tế. Tôi có thể làm những việc lớn lao và ý nghĩa.

Nhưng sự thực, người khác lại chỉ đánh giá chúng ta qua những gì chúng ta ĐÃ làm. Nghĩa là rất thực tế.

Vì vậy, trả lời câu hỏi: “Tôi là ai” phải trên 2 góc nhìn: Những người xung quanh đang định vị bạn và Bạn dũng cảm nhìn nhận bản thân.

Những người xung quanh đang nghĩ bạn là ai?

Khi tôi hỏi các bạn sinh viên trong các chương trình huấn luyện: Bạn là ai? Mọi người đều hoặc lúng túng, hoặc tự tin: Tôi là tôi, là con ba má tôi, là sinh viên trường… Tôi hỏi tiếp: Điều đó có ý nghĩa gì với những người xung quanh biết bạn? Đến đây thì đa số các bạn bắt đầu không có câu trả lời.

Đã bao giờ bạn biết mọi người chung quanh đang đặt bạn ở vị trí nào trong tâm trí họ? Nhắc đến bạn cho một chuyến đi chơi, họ sẽ “ Phải có bạn vì bạn rất quan trọng, sự có mặt của bạn bảo đảm thành công của chuyến đi” hay “Đừng mời bạn vì chuyến đi sẽ tẻ nhạt và sẽ không vui với sự tham gia của bạn”… Khi họ gặp một vấn đề và biết chắc bạn chẳng giúp được gì nhưng họ vẫn cần bạn bên cạnh? Hay dù biết bạn là chìa khóa cho vấn đề, họ ngại ngần và không tìm đến bạn? Sự hiện diện của bạn đối với họ là một điều ý nghĩa, hay đơn thuần là một sự có mặt vốn dĩ phải như vậy?...

Rất nhiều câu hỏi để bạn xác định bạn là ai trong mắt mọi người.

Tôi có xem một bộ phim khá hay trên HBO. Khi một người bạn rơi vào bế tắc vì những hành động của mình có thể làm tan vỡ gia đình. Người bạn thân của cậu ta hỏi: Anh  tên gì? Người này ngạc nhiên hỏi lại: Anh là bạn tôi sao còn hỏi: Tôi là Carl, bạn anh. Người kia đáp: Không, anh không phải là Carl bạn tôi. Cai tên Carl đồng nghĩa với mạnh mẽ, tự tin, tài giỏi, hóm hỉnh, coi trọng cuộc sống gia đình. Còn hôm nay tôi không nhận ra điều đó nơi anh.

Đúng vậy, cái tên bạn đồng nghĩa với một tính cách và ý nghĩa nào đó giống như tính chất của các chất trong bản tuần hòan của Mendeleev. Giống như cái tên Mẹ Teresa cho chúng ta thấy một sự vĩ đại về tình thương con người; Obama với hình ảnh một tổng thống với khả năng diễn thuyết đầy lôi cuốn; Hay Beckham với hình dung trong ta là cầu thủ điển trai, có những có chuyền bóng chính xác…

Còn bạn, cái tên bạn có ý nghĩa gì không?

Và, một cách trân trọng nhất: Bạn nghĩ mình là ai?

Để trả lời cho câu hỏi này, bạn sẽ phải dũng cảm và đánh giá thật chính xác những gì bạn đã làm là dựa trên những quyết định theo : Thói quen hay Suy nghĩ chín chắn? Tình cảm hay Lý trí? Bạn nên biết rằng hành động chúng ta thực hiện dựa trên một cơ chế làm việc đi từ phân tích của nhận thức, cảm nhận hay xúc cảm của tiềm thức rồi mới hành động. Hay một cách đơn giản, lý trí sẽ phân tích vấn đề, tình cảm sẽ đưa xúc cảm của bạn với vấn đề và cơ thể hành động tùy thuộc vào lý trí mạnh hay xúc xảm mạnh hơn. Thông thường thì có những người lý trí mạnh, quyết định mọi thứ theo phân tích, nhưng cũng có những kiểu người phân tích một đàng nhưng hành động lại khác, đó là những người đang sống theo tình cảm.

Giống như câu chuyện cô gái khoe với ông bố về bạn trai của mình: Đẹp trai, Thông minh, Giao tiếp tốt. Ông bố sau buổi gặp đều thừa nhận điều này song lại kết luận: Nhưng bố thấy sao sao đó. Nhìn không đáng tin.

Hành động theo lý trí hay trái tim, theo thói quen hay suy nghĩ chín chắn không kết luận tốt hơn hay tệ hơn, mà nó tùy thuộc vào hòan cảnh cũng như bản chất của vấn đề đang giải quyết. Cũng là giải quyết mâu thuẫn, nhưng khi giải quyết  với khách hàng, chúng ta phải dùng lý trí để quyết định kết quả quan trọng hơn là cảm xúc khách hàng, trong khi với tình bạn, mối quan hệ quan trọng hơn là kết quả. Do vậy, hãy để trái tim lên tiếng.

Đến đây, bạn hãy kiểm tra những hành động của mình đã được quyết định như thế nào? Kết quả đa phần ra sao? Và cảm xúc bạn đang hài lòng hay không hài lòng với những hành động đó. Trả lời một cách trung thực những câu hỏi này, bạn đã phần nào hiểu mình là ai rồi đó.

Nhưng, như một câu thơ của Nguyễn Công Trứ:

Đã mang tiếng ở trong trời đất,

Phải có danh gì với núi sông!

Tôi là ai chính là cách bạn quyết định mình trong cuộc đời này. Thời gian vẫn cứ trôi và bốn mùa luôn luôn đổi, con người chỉ xuất hiện một lần trong đời để rồi ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Trước khi chết, Vua Phổ cầm tay Mozart và nói: Ta tiêu biểu cho trật tự, ngươi tiêu biểu cho cái đẹp. Biết đâu hậu thế sẽ lãng quên ta mà nhớ đến người.

Là một người bình thường, không cần đến hậu thế nhớ, chúng ta chỉ cần làm sao cho những người chung quanh ta nhớ đến ta như một điều tích cực và đẹp đẽ. Bao nhiêu đó cũng đủ để ta tự hào “Tôi là ai” trong cuộc sống này.

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

Ceyron Louis

A web designer from India. And then you write some more information about yourself like this to fill out the space that is left.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét