Ngày mai sẽ ra sao nếu vẫn làm theo cách cũ ! [ Bạn đang ở đâu ]
Bài 1 : Xác định "Bạn đang ở đâu ? "
Tôi thường kể cho bạn trẻ nghe câu chuyện “Ngôi nhà 80 tầng”. Một câu chuyện rất cũ nhưng luôn tạo ấn tượng mạnh.
Có hai anh em sống trên tầng 80 của một chung cư cao ngất. Một ngày kia về nhà sau giờ làm việc, họ choáng váng nhận ra thang máy của chung cư bị hư. Họ buộc phải leo bộ lên căn hộ của mình.
Ban đầu, họ lưỡng lự, nhưng rồi sức trẻ và sự háo hức “khám phá những tầng nhà mà trước đây chưa bao giờ thấy vì suốt ngày chỉ đứng trong thang máy”. Thế là họ hăm hở leo lên bằng sức trẻ của mình. Đến tầng 20, thở hổn hển và mệt mỏi, họ quyết định để túi xách của mình lại đó và sẽ quay lại lấy vào ngày hôm sau. Khi lên đến tầng 40, người em bắt đầu lầm bầm và sau đó cả hai cãi nhau. Ban đầu chỉ là việc than thở về lựa chọn nơi ở mà không nghĩ đến những chuyện như thế này có thể xảy ra, lâu dần, họ lôi những tật xấu của nhau để phơi bày như chưa bao giờ được nói. Họ vừa tiếp tục những bước chân nặng nề của mình, vừa cãi nhau cho đến tầng 60. Bỗng họ nhận ra rằng mình chỉ còn 20 tầng nữa thôi. Họ quyết định ngừng cãi và tiếp tục leo lên trong sự im lặng và bình an giả tạo. Họ yên lặng leo lên và cuối cùng cũng đến được căn hộ của mình. Đến nơi họ mới phát hiện đã để chìa khóa nhà trong túi xách lúc nãy để lại ở tầng 20.
Câu chuyện giản đơn mang thông điệp không hề đơn giản.
20 năm đầu đời là lứa tuổi của sự hồn nhiên, của hy vọng và lạc quan. Chúng ta, không chỉ mang trên vai kỳ vọng và ước mơ cha mẹ, ông bà, người thân, mà cả những hình ảnh tốt đẹp nhất vẫn luôn đâu đó trong mỗi suy nghĩ, giấc ngủ. Xem bộ phim hay về một siêu nhân nào đó, ta cũng mơ một ngày bay trên đôi cách dũng mãnh. Nhìn thấy doanh nhân thành đạt, ta cũng hình dung về một ngày mà ngôi biệt thự, chiếc xe sang không còn xa lạ… Cứ thế, ta bước đi háo hức và chờ đợi để khám phá.
20 Tuổi, ta sẽ bắt đầu cho một lựa chọn. Lựa chọn có thể của chính ta, những cũng có thể là của ba mẹ, người thân hoặc một ai đó. Dẫu của ta hay của ai đó, thích hay không thích, ta cũng bắt đầu thực dụng hơn để sống với lựa chọn này. Bỏ lại sau lưng những hoài bão, ước mơ của cái ngày xưa đó, ta vẫn hăm hở để bước tiếp cuộc hành trình.
40 tuổi- cột mốc để mỗi chúng ta cảm nhận được giá trị của bản thân mình. Thành công- Chưa thành công- Không thành công đã rõ. Và, như chúng ta thấy ở câu chuyện “Ngôi nhà 80 tầng”, đây là lúc mà sự than phiền, trách móc xảy ra hầu hết với chúng ta. Tìm kiếm những lý do để biện hộ, kiếm những hoàn cảnh để biện minh cho bản thân dường như là thói quen. Và cứ thế, từ cái tuổi 40, ta càu nhàu bước tiếp cuộc đời mình.
60 tuổi. Cảm giác bình yên giả tạo che đậy sự bất lực. Và im lặng thường là giải pháp. Có bao giờ bạn thấy những cụ già ngồi bó gối, kể về những ngày xưa trong sự hoài niệm khôn nguôi. Bất lực và chấp nhận để sống tiếp quãng đời còn lại, và dường như, điều đó vẫn chưa là khủng khiếp lắm.
80 tuổi- cứ cho cuộc đời mình kết thúc ở đây. Và, hơn bao giờ hết, khi cận kề cái chết, ta mới nhận ra một cách thảng thốt: những gì ý nghĩa nhất với cuộc đời, ta đã bỏ quên ở những năm 20 tuổi.
Bỏ quên, hay chính xách hơn, ta đã không dũng cảm để sống cuộc sống của chính mình. Dường như mỗi chúng ta, ai cũng sống cuộc sống của một ai đó.
Có thể là của cha mẹ: Con phải học trường này, ba mẹ muốn thế. Và vì ba mẹ thương con nên mới làm như thế!
Có thể của người thân: Học và làm cái này mới có thể thành công.
Cũng có thể là của một bộ phim nào đó: Hồng Kông- Hàn Quốc mà ta hâm mộ.
Ai cũng muốn chúng ta như thế này, như thế kia. Có thể là vì lòng tốt, cũng có thể là sự trải nghiệm để họ khẳng định điều đó.
Nhưng, ai sẽ chịu trách nhiệm? Hay chính xách hơn, ai sẽ chịu đựng nếu lỡ cuộc sống không như hình dung và thất bại. Họ có chịu trách nhiệm cho mọi thứ xảy ra với chúng ta không?
Có can tâm không khi không phải chúng ta lựa chọn, nhưng phải chịu đựng kết quả sự lựa chọn?
Và đây là một khảo sát của các nhà Xã hội học.
20% số đông trong chúng ta là những người thụ động. Từ bỏ hy vọng- bàng quan với cuộc sống- bi quan trong suy nghĩ- tiêu cực trong hành động là những từ chính xác để miêu tả về họ. Trì trệ và chịu đựng một cuộc sống khó khăn là hình ảnh dễ thấy nhất.
60% số đông chúng ta bình thường, hãy chính xác hơn, tầm thường: An phận và làng nhàng, cam chịu và dễ chấp nhận,… Những người này cũng có mục tiêu, cũng có những dự tính và sự hăng hái trong cuộc sống. Nhưng tất cả đều không được tập trung hoàn thành. Có nhiều lý do để biện minh, có nhiều nguyên nhân để đổ lỗi, và chấp nhận dừng cuộc chơi với những lý do hết sức quen thuộc: số mình là vậy. Do đó, họ không sẵn sàng để thành công.
20% cuối cùng để nói về những người thành công bằng thái độ tích cực, chủ động. Không ngừng hoàn thiện bản thân để đạt được những điều tốt đẹp hơn. Dám chấp nhận rủi ro để hiểu ràng thành công phải được bắt đầu như thế. Luôn biết mình cần những quyết định ra sao và hành động thế nào để không bỏ lỡ cơ hội. Tóm lại, họ biết sống cuộc sống cuộc mình ý nghĩa nhất.
20-60-20, một dãy số khô khan nhưng gợi nhiều suy nghĩ.
Bạn đang ở đâu trong những con số này? Bạn có hài lòng với vị trí của mình hay không?
Nếu bạn hài lòng, kể cả khi đang ở 20% cuối. Xin cảm ơn và bạn hãy cứ tiếp tục như thế. Cuộc đời là một số phận đã an bài. Trời cho ai nấy hưởng!
Nếu không hài lòng, tất nhiên, kể cả khi bạn đang ở 20% cuối, bạn sẽ làm gì?
Nhiều bạn trẻ nói với tôi: Sẽ nỗ lực hơn, cố gắng hơn, chăm chỉ hơn, đặt mục tiêu rõ ràng hơn,… Sự thật, họ cũng đã hành động như vậy và rồi lại đâu cũng vào đấy: vẫn không cải thiện được vị trí của mình.
Điều gì đã ngăn cản và làm họ thất bại dù đã nỗ lực và cố gắng hơn?
Ấy là vì họ vẫn làm theo cách cũ. Họ đã không THAY ĐỔI.
( “Thay Đổi” là một từ quen thuộc hầu như ai cũng biết. Nhưng bản chất của thay đổi, lợi ích cũng như những cản trở khi thay đổi thì không phải ai cũng hiểu. )
Mời bạn đọc tiếp bài về sự "Thay Đổi"
ABOUT THE AUTHOR
A web designer from India. And then you write some more information about yourself like this to fill out the space that is left.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét